Thứ 3, Ngày 9 Tháng 3 Năm 2021 |
Đồng chí Tố Hữu (1920-2002), tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, người dân chịu cảnh nô lệ lầm than dưới ách thống trị, bóc lột của chế độ thực dân phong kiến, chứng kiến những cảnh đời cơ cực của Nhân dân đã sớm hun đúc trong Tố Hữu lòng yêu nước, căm thù giặc. Khi mới 13 tuổi, Tố Hữu sớm tiếp cận với Chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh tại trường Quốc học Huế. Từ đây, ông đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, nung nấu ý chí tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Năm 1936, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản, được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi. Tháng 4/1939, đồng chí bị địch bắt, tra tấn dã man, đày đi qua nhiều nhà lao như: Lao Bảo, Buôn Ma Thuật, Quy Nhơn, ngục Đăk Lay (Kon Tum)...Với ý chí của người chiến sỹ cộng sản “biến nhà tù đế quốc thành trường học”, Tố Hữu cùng với các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu, Chu Huy Mân, Nguyễn Duy Trinh...đã nêu cao khí phách người cộng sản, đấu tranh chống lại tội ác của thực dân. Mặc cho những đòn roi man rợ của kẻ thù, người chiến sỹ cộng sản ấy vẫn nêu cao tinh thần cách mạng. Trong nhà lao, Tố Hữu làm thơ để khích lệ, động viên tinh thần các chiến sỹ cộng sản. Các tác phẩm của ông đều chứa chan tình yêu nước, thương dân và toát lên một khí phách hiên ngang của người Việt Nam đứng lên giải phóng quê hương.
Đến năm 1942, đồng chí vượt ngục về Thanh Hóa và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Trong những năm tháng gian khó, đồng chí Tố Hữu cùng với đồng chí, đồng bào xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở miền Trung.
Trước cách mạng tháng 8, trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, Phó bí thư Xứ ủy Trung Bộ, đồng chí Tố Hữu đã có đóng góp to lớn trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế - Trung tâm chính trị đầu não của Triều đình Nguyễn - dinh lũy cuối cùng của chế độ thực dân phong kiến, góp phần vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng sản xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Sau cách mạng tháng 8 thành công, nhân dân ta lại phải đương đầu với hai cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà thơ Tố Hữu đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, ông luôn thể hiện mình là nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú của Đảng nhất là trên lĩnh vực công tác tư tưởng- văn hóa. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Tố Hữu không quản ngại hiểm nguy, hăng hái vào chiến trường cùng với đồng bào, đồng chí “chung lưng đấu cận” chống lại kẻ thù xâm lược. Tố Hữu dùng ngòi bút của mình viết lên những câu thơ hùng tráng, ca ngợi cuộc kháng chiến của dân tộc, thổi bùng lên ngọn lửa anh hùng cách mạng trong toàn quân, toàn dân ta. Đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, đồng chí Tố Hữu từng đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau như: Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng...Dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nêu truyền thống kiên trung, không quản ngại gian khó, hy sinh, một lòng, một dạ tận tụy phụng sự Tổ quốc. Với những cống hiến to lớn của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tố Hữu là con đường đầy chông gai, gian khổ nhưng hết sức vẻ vang. Cuộc đời của Tố Hữu là sự gặp gỡ đẹp đẽ giữa thơ với đất nước, thơ với cách mạng và Đảng, thơ với Nhân dân như lời khẳng định của Tố Hữu “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ, cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ”.
Hải Anh
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0003430304 |
Đang online: | 162 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||
|